Năm 1679, Mạc Cửu (quê quán Lôi Châu, Quảng Đông,
Trung Quốc) vì bất mãn với chế độ nhà Thanh, lưu lạc đến vùng đất Hà
Tiên, chiêu tập lưu dân lập nên xứ Hà Tiên. Năm Hiển Tông đời thứ 7,
nghe lời mưu sĩ Tô Quân cùng các thuộc hạ Trường Cầu, Lý Xá dâng biểu
cầu thân với nhà Nguyễn. Kể từ ngày đó, Hà Tiên trở thành mảnh đất cuối
cùng của đất Việt về hướng Tây Nam.
Hà Tiên không ra dáng vẻ của một đô thị như trong
suy nghĩ của mọi người khi đến vùng đất này: không nhà cao tầng, không
tiếng còi xe rầm rập suốt ngày, không ồn ào xô bồ... Nơi đây thật lặng
lẽ, yên bình như một làng quê xưa với nét uy nghiêm của những chứng tích
lịch sử cùng nét hoang sơ của những tạo tác mà thiên nhiên đã ban tặng
cho mảnh đất này.
Những mái ngói cổ rêu phong nghiêng nghiêng trong
nắng chiều, trong cái gió hanh hao mang theo vị mặn của biển đã tạo nét
riêng cho xứ sở Hà Tiên. Hà Tiên nghèo nhưng đẹp, nhiều người bảo vậy!
Đã đến Hà Tiên không thể nào không ghé thăm từ đường của dòng họ Mạc
được khởi đầu từ Tổng binh Mạc Cửu (khi ông qua đời, nhà Nguyễn đã phong
tặng tước hiệu Khai trấn Thượng trụ quốc Đại tướng quân Vũ Nghị công).
Những bậc thang đá đưa du khách viếng thăm nơi an nghỉ của những người
đã có công khai phá xứ Hà Tiên hơn 300 năm trước. Mạc Cửu giỏi tài dụng
binh, Mạc Thiên Tích giỏi văn, người có công lập ra tao đàn Chiêu Anh
Các để mỗi mùa trăng tròn ngắm trăng làm thơ tại Bảo nguyệt liên trì
(đối diện đền thờ Mạc Công)...
Từ trên núi Bình San, Hà Tiên hiện ra thơ mộng đến
vô cùng: một bên là biển Đông mênh mông, một bên là núi Voi Phục, điểm
xuyết là những núi đá vôi cô độc càng tôn thêm vẻ đẹp riêng của xứ sở Hà
Tiên mà không nơi nào có được! Hà Tiên có Thạch Động (còn gọi là Vân
Sơn). Xúc động nhất khi đến thăm thắng cảnh này là bia căm thù ghi lại
sự kiện quân Pôn Pốt đã sát hại hàng trăm dân thường vào năm 1977. Chẳng
biết tự bao giờ mà người dân Hà Tiên tự hào: Thạch động chính là nơi
khởi nguồn của câu chuyện cổ tích Thạch Sanh chém chằn thấm sâu trong ký
ức tuổi thơ. Vào sâu trong Thạch Động, thạch nhũ lâu ngày đã tạo những
hình thù: con chằn, một cô gái tóc dài mà dân gian quen gọi là Phật Bà
Quan Âm... Trí tưởng tượng con người được dịp bay bổng. Từ đây, đi bộ
thêm vài bước chân là tới cửa khẩu Xà Xía, bên kia là đất nước Chùa
Tháp.
Dọc theo biển, xuôi về hướng Nam, du khách sẽ đến
một cụm thắng cảnh nổi tiếng của Hà Tiên là Hòn Chông. Nước biển ở đây
xanh ngắt, không thua kém gì biển miền Trung. Điểm nhấn khi đến Hòn
Chông là được ngắm nhìn hòn Phụ Tử ngày đêm sóng vỗ của những huyền
thoại thắm đượm tính nhân văn của người dân Việt: hai cha con đã tiêu
diệt thủy quái; người cha cứ mỗi chiều dẫn đứa con bé bỏng ra trước biển
ngóng về miền quê xa với nỗi nhớ khôn nguôi...
Từ chùa Hang, chỉ vài phút bồng bềnh trên ca nô
vượt sóng sẽ đến hang Gia Long với những hình thù do thạch nhũ tạo ra
như ghế Gia Long, hình Đường Tăng, giếng Tiên, tượng Phật Bà Quan Âm...
để trí tưởng tượng của con người một lần nữa bay cao! Chỉ thấy tiếc là
không nghỉ lại tại Hòn Chông để có dịp ngắm biển, hít thở không khí
trong lành mằn mặn vị biển và yên tĩnh đến vô cùng. Chính vì lẽ đó mà
bây giờ Hòn Chông được xây dựng tiện nghi hơn để phục vụ khách đường xa.
Còn nhiều lắm những di tích, thắng cảnh của xứ Hà
Tiên: đình Nguyễn Trung Trực, mộ Bà lớn tướng Lê Kim Định, đền Phó Cơ
Điều, Sắc tứ Tam bảo tự, chùa Phù Dung (còn gọi là am Phù Cừ)... mà
người dân tự hào là Hà Tiên thập cảnh. Hãy đến Hà Tiên một lần để hiểu
và yêu hơn mảnh đất đầu sóng ngọn gió..
Mười cảnh Hà Tiên rất hữu tình,
Non non nước nước gẫm nên xinh.
Đông Hồ, Lộc Trĩ luôn dòng chảy,
Nam Phố, Lư Khê một mạch xanh.
Tiêu Tự, Giang Thành, chuông trống ỏi,
Châu Nham, Kim Dự cá chim quanh.
Bình San, Thạch Động là rường cột,
Sừng sựng muôn năm cũng để dành
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét